Cách chai nước có thể gây cháy xe vào mùa hè

Cách chai nước có thể gây cháy xe vào mùa hè

Ánh nắng chiếu qua thân chai nước, kính, quả cầu thủy tinh như một thấu kính hội tụ, tập trung ánh sáng và đốt cháy bề mặt tiếp xúc.

Vào mùa hè, khi xe phải di chuyển, đặc biệt đỗ dưới nắng nóng gây nhiều tác hại, trong đó rủi ro cháy xe do chi tiết đơn giản như chai nước, kính, quả cầu thủy tinh... Lý do là thiết kế tròn, cong, hình trụ của những vật thể này tương tự như một thấu kính hội tụ (kính lúp). Khi ánh sáng chiếu qua chai nước sẽ hội tụ tại một điểm. Năng lượng tích tụ dưới dạng nhiệt năng sẽ đốt cháy bề mặt tiếp xúc.

Thử nghiệm với điều kiện nhiệt độ 35 độ C, trời có nắng, mây rải rác, thời gian 12h-13h tại TP HCM, ánh sáng qua chai nước (nhẵn, 1,5 lít) có thể đốt cháy chiếc khẩu trang để trong xe ngay khi tạo luồng sáng hội tụ.

Cách chai nước gây cháy đồ vật trong xe
 
 
Cách chai nước gây cháy đồ vật trong xe

Video: Tân Phan

Kết quả thử nghiệm trên khẩu trang dùng vải không dệt vốn là vật liệu chịu nhiệt kém, dễ cháy cho thấy, chỉ cần khi góc chiếu của ánh sáng mặt trời qua chai nước phù hợp để tạo luồng sáng hội tụ, vải sẽ bị cháy gần như tức thì.

Với chất liệu ví da thật, màu đen, có phủ lớp nhựa bảo vệ bề mặt, thời gian kể từ khi bị ánh sáng hội tụ chiếu vào cho đến khi có hư hại xảy ra sẽ dài hơn. Cụ thể, sau 20-30 phút "đốt" bằng ánh sáng hội tụ, bề mặt da không cháy, nhưng có dấu hiệu hư hại vì nhiệt như chảy nhựa, biến dạng.

Trên thế giới từng có những thử nghiệm với thời gian và góc chiếu đủ lâu, chất liệu da trong xe bị bốc cháy tạo khói.

Không chỉ chai nước, một số vật dụng phổ biến hình cầu, trong suốt thường được để trên xe cũng có thể tạo ra luồng ánh sáng hội tụ như kính (đặc biệt kính viễn thị, kính lão), quả cầu pha lê, thủy tinh trang trí...

Khẩu trang bị cháy khi dùng chai nước hội tụ ánh sáng mặt trời để đốt. Ảnh: Tân Phan

Khẩu trang bị cháy khi dùng chai nước hội tụ ánh sáng mặt trời để đốt. Ảnh: Tân Phan

Các chuyên gia cho biết, không phải lúc nào ánh nắng đi qua chai nước hay quả cầu cũng tạo thành chùm sáng hội tụ lên một bề mặt vật liệu nào đó, vì phụ thuộc vào góc chiếu sáng, tuy vậy rủi ro vẫn có thể xảy ra khi đỗ xe thời gian dài dưới nắng, đặc biệt với những xe có cửa sổ trời toàn cảnh không đóng tấm che.

Vì vậy, tránh để những vật dụng hình cầu, bề mặt nhẵn tại những vị trí bị ánh nắng chiếu vào như táp lô, hàng ghế thứ nhất. Tốt nhất, chúng nên được cất gọn vào những nơi kín như hộp găng tay, hộc cánh cửa phía sau, cốp xe.

Bên cạnh việc tạo ánh sáng hội tụ gây cháy, việc đồ uống, thức ăn để trong xe bị nóng lên cũng khiến thay đổi chất lượng, phát sinh những chất độc. Vì vậy, thuốc, các loại kem y tế, mỹ phẩm, đồ điện tử, vật dễ cháy như bật lửa... cũng được khuyên không để trong xe đỗ dưới trời nắng nóng.

Tân Phan