Bình Thuận đẹp nhưng vẫn thiếu sân bay

Bình Thuận đẹp nhưng vẫn thiếu sân bay

Bình Thuận là tỉnh được nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận xét có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, đẹp là chưa đủ.

Xu hướng du lịch của khách Việt đã có phần thay đổi từ khi đại dịch qua đi. Thời gian ở nhà quá lâu khiến du khách muốn tìm những điểm đến mới. Phú Quốc (Kiên Giang) được xem như "viên ngọc quý" của giai đoạn này và Bình Thuận cũng có nhiều lợi thế để đạt thành công như vậy. Tuy nhiên, việc biến lợi thế thành kết quả cuối cùng không phải việc đơn giản.

Ít đơn vị chạy tour

Trao đổi với Zing, nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ vẫn chạy tour đi Bình Thuận nhưng số lượng khá ít. Nếu so với các tỉnh thành gần đó như Lâm Đồng, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Nha Trang (Khánh Hòa), con số này khá khiêm tốn.

Đa số nhận xét Bình Thuận đẹp, thích hợp để nghỉ dưỡng nhưng vậy là chưa đủ. Vấn đề là Bình Thuận không có sân bay nên việc di chuyển rất bất tiện.

Nếu xuất phát từ TP.HCM, du khách có 2 lựa chọn là đi xe khách đến Phan Thiết rồi ra Mũi Né. Cách di chuyển này tốn khoảng 4 giờ. Ngoài ra, du khách cũng có thể đi tàu (3,5 giờ). Đi từ Nha Trang hoặc Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng được nhưng lựa chọn phương tiện sẽ không đa dạng bằng.

du lich binh thuan anh 1

Đảo Phú Quý là một trong những điểm hấp dẫn giới trẻ của du lịch Bình Thuận. Ảnh: Khoa Beo.

Chia sẻ với Zing, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết công ty vừa thực hiện khảo sát ngắn ở Bình Thuận. Các nhóm hợp đi du lịch Bình Thuận lúc này gồm những gia đình ở khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM. Các bạn trẻ đi theo nhóm cũng sẽ thích Bình Thuận.

"Bình Thuận chưa thể thu hút khách từ miền Bắc vì di chuyển mất thời gian. Ví dụ, nếu đi từ Hà Nội, tôi sẽ mất 2 giờ từ nhà ra sân bay, 2 giờ bay từ Hà Nội tới TP.HCM rồi 4 giờ từ TP.HCM đến Bình Thuận. Ít nhất là 8 giờ, coi như mất luôn cả ngày du lịch", ông Tú nói.

Đại diện công ty chia sẻ họ vẫn bán các sản phẩm du lịch Bình Thuận nhưng lượng chốt đơn không nhiều. So với việc mất công quảng cáo, tư vấn du khách đi Bình Thuận, họ sẽ ưu tiên những điểm đến như Phú Quốc, Đà Nẵng hơn.

du lich binh thuan anh 2

Các điểm du lịch ở Bình Thuận phù hợp với nhóm bạn trẻ, gia đình có ôtô ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Ảnh: Khoa Beo.

Vấn đề bán ít tour đi Bình Thuận cũng xảy ra tại Flamingo Redtours. Công ty này cho biết kể cả với du khách từ TP.HCM, họ cũng phải cân nhắc chọn Bình Thuận hay một điểm đến gần hơn như Vũng Tàu. So với khoảng 2 giờ chạy xe đến trung tâm Vũng Tàu, du khách TP.HCM phải mất 5-6 giờ để đi tới Mũi Né.

"Khi bỏ nhiều thời gian như vậy, du khách cũng sẽ đắn đo họ nhận được điều gì hay chỉ đến tắm biển. Tại Bình Thuận, các loại hình sản phẩm du lịch, khu vui chơi, mua sắm chưa đa dạng. Nếu không thay đổi điều này, sẽ khá khó để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách", bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Trưởng phòng Truyền thông Marketing, chia sẻ.

Thiếu khách Nga

Hiện nay, dịch vụ du lịch ở Bình Thuận chưa hoạt động lại 100%. Lý do là sự thiếu hụt nguồn khách Nga.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận - cho biết khách Nga chiếm 30% thị trường khách quốc tế đến Bình Thuận. Phần còn lại là khách Đông Bắc Á, Tây Âu.

Việc khách Nga chưa thể du lịch bình thường trở lại rõ ràng đã ảnh hưởng đến du lịch Bình Thuận. Theo ông Khoa, dịch vụ du lịch ở Bình Thuận về cơ bản đã trở lại khoảng 90%. Một số cơ sở dịch vụ chưa mở lại do trước kia được người Nga thuê.

"Tôi hy vọng vào cuối năm nay, lượng khách quốc tế đến Bình Thuận có thể ổn định trở lại", ông Khoa nói.

du lich binh thuan anh 3

Bình Thuận là điểm du lịch yêu thích của khách Nga và điều này đã gây ra một số vấn đề khi nhóm khách này "biến mất". Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận.

Vấn đề khách Nga cũng được bà Phạm Phương Anh, Phó giám đốc Du lịch Việt, xác nhận. Đại diện công ty này cho biết Phan Thiết từng là địa điểm du lịch yêu thích của khách khu vực phía nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của khách Nga từ nhiều năm trước biến nơi này trở thành "lãnh địa" cho nhóm khách từ Đông Âu. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở đây tập trung chủ yếu cho đối tượng khách này.

"Dần dần, từ một điểm đến yêu thích của khách hàng khu vực phía nam, Phan Thiết lại tự mình 'cô lập' với khách Việt. Theo thời gian, các điểm đến khác đã thu hút khách Việt tìm đến và dần thay thế Phan Thiết. Dĩ nhiên, chỉ cần khách Nga trở lại, tôi nghĩ Bình Thuận sẽ lại phất lên. Cái nắng của Phan Thiết có sức hấp dẫn đặc biệt với họ", bà Phương Anh nói.

Tiềm năng lớn

Hiếm có điểm đến nào ở Việt Nam sở hữu sự đa dạng địa hình như Bình Thuận. Nơi đây có biển, có suối và có cả những sa mạc cát phục vụ cho loại hình du lịch thể thao.

Mặt khác, cung đường ven biển đẹp của tỉnh này cũng được nhiều người làm du lịch nhận xét "đẹp nhất nhì Việt Nam". Thời tiết nhiệt đới ôn hòa, gần như không có thời gian phải đứng yên do mùa đông như biển miền Bắc, mùa mưa bão của biển miền Trung.

Bình Thuận đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể là địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Thành phố Phan Thiết sẽ trở thành đô thị du lịch trọng điểm. Điều này đồng nghĩa với việc Bình Thuận sẽ được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, chú trọng hơn trong công tác truyền thông quảng bá.

du lich binh thuan anh 4

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: ACV.

"Khi sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết hoàn thành, những rào cản sẽ được phá vỡ. Bình Thuận có quá nhiều lợi thế nhưng lại gặp bất lợi lớn về việc di chuyển", bà Huệ nhận xét thêm.

Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và có thể khai trương giai đoạn một vào năm 2025. Khoảng cách từ sân bay này tới thành phố Phan Thiết chỉ khoảng một giờ chạy xe. Trong khi đó, đề án nâng cấp sân bay Phan Thiết dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2023.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Thuận nhận xét: "Khi 2 sân bay đi vào hoạt động, Bình Thuận sẽ thuận tiện hơn nhiều trong việc kết nối khách TP.HCM và miền Bắc cũng như du có thêm nguồn khách quốc tế".

Anh Tú