Ba hành vi có thể bị xem xét là trốn đóng bảo hiểm xã hội

Ba hành vi có thể bị xem xét là trốn đóng bảo hiểm xã hội

Dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần đầu xác định ba hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có chủ sử dụng đóng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng.

Hành vi thứ hai là chủ sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, hoặc đăng ký cho lao động sau 5 ngày kể từ lúc ký hợp đồng.

Cuối cùng là chủ sử dụng đã đăng ký đóng BHXH bắt buộc cho lao động, nhưng đến thời hạn mà chưa đóng hoặc không đóng đủ tiền. Cụ thể, nếu chọn đóng hàng tháng thì hạn chậm nhất là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo; nếu chọn đóng ba tháng một lần là ngày cuối cùng của chu kỳ đóng; nếu chọn đóng sáu tháng một lần là ngày cuối cùng của tháng thứ 4; nếu chọn đóng 12 tháng một lần là ngày cuối cùng tháng thứ 7.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì xây dựng dự luật, đề xuất chủ doanh nghiệp nếu trốn đóng ngoài nộp đủ tiền đóng BHXH còn bị xử phạt hành chính bằng 0,03% số tiền trốn đóng cho mỗi ngày. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với trường hợp chủ trốn đóng từ 12 tháng trở lên.

Nếu tất cả biện pháp đều không hiệu quả thì công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố.

Việc đóng BHXH trên nền tiền lương thấp đang phổ biến ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Nâng nền tiền lương đóng, từ đó nâng mức lương hưu là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án.

Một là áp dụng như luật hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Hai là đề xuất bổ sung phương án tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Theo phương án này, nền tiền lương đóng BHXH của lao động sẽ được nâng lên.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay không quy định về trốn đóng BHXH bắt buộc mà chỉ nghiêm cấm hành vi này. Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ các khoản trên. Mức xử lý cao nhất với hành vi trốn đóng BHXH là 7 năm tù.

Lao động làm thủ tục liên quan trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Lao động làm thủ tục liên quan trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết khó khởi tố vụ án với tội danh trốn đóng BHXH. Giai đoạn 2018-2022, cơ quan này đã kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý. 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Doanh nghiệp tránh làm việc với cán bộ bảo hiểm xã hội nhưng khi công an tới thì mang tiền nộp ngay, phân bua "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình trốn". Vì thế cơ quan bảo hiểm đề nghị cần sửa đổi một số quy định để tạo đồng bộ giữa pháp luật hành chính và hình sự.

Cộng dồn hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Hồng Chiêu